ĐTC Phanxicô: "Thượng Hội đồng không phải là một nghị trường hay một cuộc thăm dò ý kiến..."

Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa,

 

Để tìm hiểu sâu xa và kỹ lưỡng hơn về Thượng nghị Giám mục Thế giới Thường lệ XVI 2021-2023 có tính cách ngoại lệ và mới mẻ ra sao và như thế nào,

 

thì không còn gì bằng theo dõi 2 bài nói khai mạc cho thượng nghị này, trước hết là bài diễn từ ngày 9/10/2021 và sau đó là bài giảng lễ Khai mạc ngày 10/10/2021.

 

Chúng ta có thể tóm gọn hai bài nói dài này ở những đoạn tiêu biểu sau đây:

 

Diễn từ khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới XVI của Đức Giáo hoàng Phanxicô (9/10)

 

Diễn từ khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới XVI của Đức Giáo hoàng Phanxicô 

 

Tôi muốn nhắc lại rằng Thượng Hội đồng không phải là một nghị trường hay một cuộc thăm dò ý kiến; Thượng Hội đồng là một biến cố mang tính Hội Thánh và nhân vật chính của nó là Chúa Thánh Thần. Nếu Chúa Thánh Thần không hiện diện, sẽ không có Thượng Hội đồng...  

 

Thượng Hội đồng có ba từ chìa khóa: hiệp thông, tham dự và sứ vụ. Hiệp thông và sứ vụ là những thuật ngữ thần học diễn tả mầu nhiệm Hội Thánh, mà chúng ta cần ghi nhớ...
 

Các từ “hiệp thông” và “sứ vụ” có thể có nguy cơ còn hơi trừu tượng, trừ khi chúng ta trau dồi một sự thực hành mang tính Hội Thánh thể hiện tính cụ thể của tính hiệp hành ở mọi bước của cuộc hành trình và hoạt động của chúng ta, khi khuyến khích sự tham gia thực sự của mỗi người và tất cả mọi người. Tôi có thể nói rằng việc cử hành một Thượng Hội đồng luôn luôn là một điều tốt đẹp và quan trọng, nhưng nó thực sự có lợi nếu nó trở thành một sự diễn tả sống động “việc thuộc về Hội Thánh”, một cách hành động được đánh dấu bằng sự tham gia thực sự.

 

Đây không phải là vấn đề thuộc hình thức, mà là thuộc niềm tin. Việc tham gia là một đòi hỏi của đức tin nhận được trong phép Rửa Tội...   Do đó, tất cả những người đã được rửa tội đều được mời gọi tham gia vào đời sống và sứ vụ của Hội Thánh... Việc cho phép mọi người tham gia là một bổn phận thiết yếu của Hội Thánh! Tất cả những người đã được rửa tội, vì Phép Rửa là thẻ căn cước của chúng ta....

 

Thượng Hội đồng có thể bị giảm thiểu thành một sự kiện ngoại thường, nhưng chỉ diễn ra bên ngoài; giống như việc chiêm ngưỡng mặt tiền tráng lệ của một nhà thờ mà không bao giờ thực sự bước vào bên trong. Mặt khác, Thượng Hội Đồng là một tiến trình phân định thuộc linh đích thực mà chúng ta thực hiện, không phải để chiếu lên hình ảnh tốt đẹp của chính chúng ta, nhưng để hợp tác hiệu quả hơn với công trình của Thiên Chúa trong lịch sử.

 

Nếu chúng ta muốn nói về một Hội Thánh hiệp hành, chúng ta không thể chỉ thoả mãn với vẻ bề ngoài; chúng ta cần nội dung, phương tiện và cấu trúc có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc đối thoại và tương tác trong Dân Chúa, đặc biệt là giữa các linh mục và giáo dân. Tại sao tôi nhấn mạnh vào điều này?

 

Bởi vì đôi khi có thể có một thứ giai cấp ưu tú nào đó (elitismo) trong chức linh mục khiến họ tách rời khỏi giáo dân; cuối cùng linh mục trở thành một “ông chủ” hơn là một mục tử của toàn thể cộng đoàn đang tiến bước. 

 

 Nguy cơ thứ hai là chủ nghĩa duy tri thức (intellectualismo). Thực tại biến thành trừu tượng và với những suy nghĩ của mình, cuối cùng chúng ta lại đi theo hướng ngược lại. Điều này sẽ biến Thượng Hội đồng thành một loại nghiên cứu nhóm, đưa ra những cách tiếp cận uyên bác nhưng trừu tượng đối với các vấn đề của Hội Thánh và những xấu xa trong thế giới chúng ta... 
 

Cuối cùng là cám dỗ không muốn thay đổi (immobilismo), như người ta nói rằng: “Lúc nào chúng tôi cũng làm như thế” (Evangelii Gaudium, 33) và tốt hơn là không nên thay đổi. Câu nói “lúc nào chúng tôi cũng làm như thế” là liều thuốc độc cho đời sống của Hội Thánh.  

 

Đầu tiên, đó là việc cùng nhau tiến bước không phải cách ngẫu nhiên nhưng thuộc cấu trúc hướng tới một Hội Thánh hiệp hành, một quảng trường mở, nơi tất cả mọi người có thể cảm nhận như nhà mình và tham gia. 

 

Sau đó, Thượng Hội đồng cho chúng ta cơ hội để trở thành một Hội Thánh biết lắng nghe, thoát ra khỏi thói quen và tạm dừng các mối quan tâm mục vụ của chúng ta để dừng lại và lắng nghe.  

 

 Cuối cùng, Thượng Hội đồng cung cấp cho chúng ta cơ hội để trở thành một Hội Thánh gần gũi...
 

Ước gì Thượng Hội đồng này trở thành một thời gian cư ngụ của Thánh Thần! Vì chúng ta cần Chúa Thánh Thần, hơi thở luôn luôn mới mẻ của Thiên Chúa, Đấng giải thoát chúng ta khỏi mọi sự khép kín, làm sống lại những gì đã chết, tháo cởi xiềng xích và lan tỏa niềm vui. Chúa Thánh Thần là Đấng hướng dẫn chúng ta đến nơi mà Thiên Chúa muốn chúng ta đến, chứ không phải đến nơi mà ý tưởng và sở thích cá nhân của chúng ta sẽ dẫn chúng ta đến.  
 

Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy đến! Ngài là Đấng phát sinh ngôn ngữ mới mẻ và xin hãy đặt trên môi miệng chúng con những lời sự sống. Xin đừng để chúng con trở thành một “Hội Thánh bảo tàng,” xinh đẹp nhưng câm lặng, với nhiều quá khứ nhưng ít tương lai. Xin hãy đến với chúng con, để trong kinh nghiệm hiệp hành này, chúng con không đánh mất sự nhiệt tình của mình, làm mất đi sức mạnh của lời ngôn sứ, hoặc sa vào những cuộc thảo luận vô ích và không có kết quả. Xin hãy đến, lạy Thánh Thần tình yêu, xin hãy mở rộng trái tim chúng con để lắng nghe! Xin hãy đến, lạy Thánh Thần thánh thiện, xin đổi mới Dân Chúa thánh thiện và trung thành! Hỡi Thánh Thần Sáng Tạo, xin hãy đến, xin đổi mới bộ mặt của trái đất! Amen. 

 

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ khai mạc Thượng Hội đồng về tính hiệp hành (10/10)

 

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ khai mạc Thượng Hội đồng về tính hiệp hành  

 

Thiên Chúa không ngự trị ở những nơi trong lành yên ả, xa rời thực tế, nhưng bước đi bên chúng ta, bắt kịp chúng ta, trên những nẻo đường đời đôi khi gập ghềnh sỏi đá. Và hôm nay, khi khai mạc hành trình Thượng Hội đồng này, chúng ta hãy bắt đầu bằng cách tự vấn bản thân - tất cả chúng ta, Giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân - liệu chúng ta, cộng đồng Kitô giáo, có thể hiện “phong cách” này của Thiên Chúa, Đấng đang bước đi trong lịch sử và chia sẻ những nỗi thăng trầm của nhân loại hay không? Chúng ta có sẵn sàng mạo hiểm bước vào cuộc hành trình này chưa? Hay chúng ta sợ hãi những điều chưa biết, thích trốn tránh với những lý do như “chẳng lợi ích gì” hoặc “đã quen làm như thế rồi”?

 

 Đầu tiên là gặp gỡ... Chúa Giêsu không vội vã bước đi, không nhìn đồng hồ để mau chóng kết thúc cuộc trò chuyện. Ngài luôn phục vụ người đối diện, lắng nghe những gì họ nói... Mỗi cuộc gặp gỡ - như chúng ta đã biết - đều đòi hỏi sự cởi mở, can đảm và sẵn sàng để chính mình bị chất vấn bởi sự hiện diện và câu chuyện của người khác... Mọi thứ đều thay đổi khi chúng ta có khả năng thực sự gặp gỡ Ngài và gặp gỡ nhau. Không hình thức, không giả dối, không tráo trở.

 

Động từ thứ hai là lắng nghe. Cuộc gặp gỡ thực sự chỉ phát sinh từ việc lắng nghe...  Ngài đã không đưa ra một câu trả lời máy móc như thói thường, không đề nghị một giải pháp đóng gói sẵn, không giả vờ đáp lại theo phép lịch sự để đuổi khéo ông đi và tiếp tục con đường của mình....Chúa Giêsu không ngại lắng nghe ông, lắng nghe bằng trái tim chứ không chỉ bằng đôi tai. Thật vậy, câu trả lời của Ngài không chỉ giới hạn cho tương ứng với câu hỏi, nhưng gợi mở để người đàn ông giàu có đó kể câu chuyện đời mình, tự do nói về bản thân mình.

 

Cuối cùng là sự phân định. Gặp gỡ và lắng nghe không tự kết thúc và rốt cuộc mọi thứ vẫn y như cũ... Qua trực giác, Chúa Giêsu hiểu rằng người trước mặt mình là một người tốt lành và ngoan đạo, tuân hành các giới răn, nhưng Ngài muốn dẫn dắt anh ta vươn xa hơn việc đơn thuần tuân giữ các giới luật. Qua cuộc đối thoại, Chúa giúp ông phân định... Để rồi khám phá ra rằng điều ông cần, không phải là làm thêm việc đạo đức khác, nhưng ngược lại, là làm trống rỗng bản thân: bán những gì đang chiếm giữ trái tim ông, để dành chỗ cho Thiên Chúa.

 

Sau đây là 2 bài đọc được thâu lại ở dạng mp3 về 2 bài nói của ngài, cho những ai không muốn đọc mà chỉ muốn nghe:

 

DTCPhanxico-DienTu-GiangLeKhaiMacThuongNghiGMXVI-2021.mp3

 

DTCPhanxico-KhaiMacThuongNghiGiamMucXVI.mp3

 

(Cái link trên là nguyên văn 2 bài nói của ngài, còn cái link dưới chỉ có các câu trên đây kèm theo chia sẻ phụ họa)